Thứ Năm, 19 tháng 10, 2017

GIỚI THIỆU

Dự án SCENERI được thực hiện trong thời gian 2015-2017, tại huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Cộng đồng đích để nghiên cứu được lựa chọn sau những buổi tham vấn sâu theo những điều kiện phù hợp về cỡ mẫu, loại mẫu. Nghiên cứu được tiến hành dựa trên cơ sở đảm bảo sự đồng ý từ cộng đồng cho tất cả các hoạt động trước khi được bắt đầu và duy trì sự đồng thuận này trong suốt quá trình nghiên cứu. Ngoài ra, việc mời các nhà hoạch định chính sách của mỗi cơ quan nhà nước tại địa phương, nông dân và cán bộ thú y tham gia vào nghiên cứu cũng là một phần của dự án.
Đây là một dự án lồng ghép giữa khoa học và nghệ thuật để gắn kết cộng đồng trong hoạt động nghiên cứu khoa học. Nghiên cứu này là một nghiên cứu theo thời gian với sự tham gia của một nhóm liên ngành gồm nhóm nghiên cứu xã hội học, nhóm hoạt động nghệ thuật và nhóm sinh học, thú y viên cũng như người dân trong cộng đồng. Trong đó, ba hợp phần chính của dự án gồm có: hợp phần Sinh học, hợp phần Xã hội học và hợp phần Nghệ thuật.
Hợp phần Sinh học
Nhiệm vụ chính của hợp phần Sinh học đó là thu thập mẫu của động vật và môi trường chăn nuôi để hiểu về độ lưu thông của mầm bệnh và mức độ mà vi khuẩn kháng các kháng sinh phổ biến tại các trại chăn nuôi. Các kỹ thuật viên sẽ đến thu thập mẫu môi trường và vật nuôi trong trại chăn nuôi vài lần trong một năm để lấy mẫu. Mỗi lần thu mẫu gồm mẫu phân vật nuôi được chọn, mẫu vớ dặm, mẫu nước thải và thêm mẫu nước ao hồ (nếu có). Sau đó, các mẫu này sẽ được đưa về phòng thí nghiệm của OUCRU để phân tích nhằm khảo sát tỷ lệ hiện diện của chủng vi khuẩn thường quy và gây bệnh kháng kháng sinh.
Hợp phần Xã hội học
Bằng các công cụ thu thập thông tin đặc trưng của các ngành khoa học xã hội, hợp phần xã hội học sẽ tìm hiểu về nhận thức hiện tại về các bệnh lây truyền từ động vật sang người và cách con người đang sử dụng kháng sinh cho vật nuôi. Dữ liệu định lượng thu được sẽ được nhập và phân tích bởi phần mềm SPSS. Kết quả phân tích sẽ được chia sẻ với các bên liên quan để có được sự đồng thuận trước khi viết báo cáo chính thức.
Hợp phần Nghệ thuật
Sự tham gia của hợp phần nghệ thuật vào nghiên cứu nhằm ghi lại cuộc sống hằng ngày của người chăn nuôi tại địa phương bằng những hình ảnh mà nhóm nghệ thuật đã thu thập được bằng cách chụp ảnh và quay phim. Những hình ảnh này được kể thành một câu chuyện bằng phim ngắn mang tên “Nắng bằng phẳng” nhằm khắc họa cuộc sống thôn quê và tìm hiểu những trăn trở mà người dân gặp phải trong quá trình chăn nuôi. Các sản phẩm nghệ thuật sẽ đóng vai trò như một xúc tác thúc đẩy thảo luận/ suy nghĩ và mô tả về các nhận thức về những rủi ro từ động vật và các hoạt động có nguy cơ về sức khỏe giữa các nhóm đối tượng khác nhau.
Kết quả từ các hoạt động xã hội học và sinh học thu được từ WP1 và WP3 sẽ được chuẩn bị để chia sẻ với các bên liên quan. Sản phẩm nghệ thuật (WP2), mong muốn cho thấy các tập tục của địa phương, hoạt động và nhận thức đối với nguy cơ từ động vật và các hoạt động có nguy cơ đến sức khỏe, cũng sẽ được chia sẻ với các bên liên quan như là xúc tác thúc đẩy thảo luận và suy nghĩ. Những kết quả này sẽ được kết hợp với khuyến nghị/đề xuất của người tham gia trong phần thảo luận nhóm (WP1) sẽ đóng góp vào tiềm năng phát triển các phương pháp tiếp cận có khả thi để giảm sử dụng kháng sinh và sự lây truyền bệnh từ động vật. Hoạt động gắn kết với cộng đồng khác bao gồm việc cùng phát triển tài liệu về an toàn chăn nuôi, kể chuyện qua ảnh và triển lãm nghệ thuật. Vào cuối giai đoạn nghiên cứu, một buổi triển lãm sẽ được tổ chức để chia sẻ các sản phẩm nghệ thuật phản ảnh kiến thức hiện tại của người dân địa phương có tham gia dự án về đường lây truyền bệnh từ động vật sang người, ảnh hưởng của các bệnh này, những tác động có thể có từ việc sử dụng thuốc kháng sinh chưa hợp lý và kết quả phân tích trong phòng thí nghiệm về tình trạng kháng kháng sinh của vi khuẩn trên thú nuôi của các trại đã chọn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét